Báo quốc tế nói về nạn ‘bắt cóc chó’ ở Việt Nam
Đã quá muộn khi ông Nguyễn Văn Cường nghe một người hàng xóm hét lên “Trộm! Trộm!”. Hai người đàn ông trên một chiếc xe máy đã bắt mất con chó yêu quý có tên là “Mực” của ông.
Đó là câu chuyện mở đầu cho bài báo của phóng viên Mike Ives, hãng thông tấn AP, viết về tình trạng ăn trộm chó ở Việt Nam.
Bài báo viết tiếp: Ông Cường và hàng xóm chạy hết tốc lực để đuổi theo nhưng nhưng vô ích vì những tên trộm chó chuyên nghiệp đã ném gạch để ngăn cản. Một người đi đường đã trúng gạch và tử vong sau đó khiến cảnh sát phải nhập cuộc, điều tra vụ việc.
Những “trận chiến” tương tự xảy ra trên khắp Việt Nam giữa người nuôi chó và những kẻ trộm chó. Những kẻ bắt đi “người bạn thân nhất của con người” để đem đến các nhà hàng, chế biến thành món ăn đặc sản. Người dân thường chọn cách “tự xử lý” thay vì nhờ đến cảnh sát trong trường hợp này.
Những tên trộm chó chỉ bị truy tố hình sự khi tài sản liên quan có giá trị ít nhất 2 triệu đồng, trong khi một con chó thường có giá rẻ hơn. Ngoài ra cũng không có quy định cụ thể về hình phạt trong trường hợp “tài sản” là con chó.
Bởi vậy, có những tên trộm chó đã bị đánh chết, thậm chí là thiêu sống. Ngược lại, những tên trộm dùng đủ mọi thứ, từ gạch đá đến dao nhọn để chống lại sự truy bắt của người dân.
“Bọn trộm chó ngày càng hung hăng hơn. Chúng ăn cắp chó của người dân vào giữa ban ngày,” ông Trần Thế Thiệu, một Trưởng công an xã ở Nghệ An cho hay. “Mọi người rất tức giận nhìn thấy chó mình nuôi bị mất mà kẻ trộm thì rất hiếm khi bị bắt”, ông nói tiếp.
Thịt chó là một món ăn khoái khẩu ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Các nhà hàng chuyên thịt chó rất đông khách vào cuối mỗi tháng âm lịch, vì người dân quan niệm rằng ăn thịt chó vào thời gian này sẽ có tác dụng “xả xui”.
Các nhà hàng thịt chó ở Hà Nội đã bùng nổ từ khi Việt Nam đã trở thành một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Và một số kẻ bất lương đã nghĩ ra cách kiếm tiền phi pháp từ những chú chó.
Những chú chó thường được chủ thả rông ngoài đường vào một số giờ nhất định trong ngày và trở thành mục tiêu dễ dàng của kẻ trộm. Thịt chó có giá khá cao và trộm chó tạo nên một khoản thu nhập béo bở, có thể kiếm được nhanh chóng và dễ dàng hơn so với những tên trộm xe hơi ở Mỹ.
Những chiếc xe máy chở theo chiếc lồng lớn chứa đấy chó không phải cảnh tượng hiếm gặp ở Việt Nam. Những chú chó sẽ bị giết, lột da, nướng và treo lủng lẳng bên ngoài các quầy hàng với hàm răng nhe trắng ởn. Có hương vị gần với thịt nai, chúng được nấu thành nhiều món.
Những chú chó đã bị “kết án tử hình”. Ảnh: AP. |
Đây cũng là một truyền thống ẩm thực phổ biến ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Truyền thống này đang hứng chịu sự phản ứng gay gắt từ những người bảo vệ động vật quốc tế.
Một nhà hoạt động cho rằng, người Việt nên phát triển một tình yêu dành cho loài chó theo “phong cách phương Tây” và dần dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó cũng như buôn bán chó và thịt chó.
So với người phương Tây, người Việt cũng dùng chó để giữ nhà và đặt tên cho chúng, nhưng thường không coi chúng như một thành viên đích thực của gia đình. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là họ dửng dưng với vật nuôi của mình.
Trở lại với vụ việc của ông Nguyễn Văn Cường, ông cho biết cơ quan điều tra đã xác định con chó 15 tuổi của ông đã bị bán với giá 900.000 đồng. Hai nghi phạm đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi ném đá làm chết người. “Rất khó để nuôi một con chó tốt và thông minh”, ông Cường chia sẻ. “Nếu tôi đã bắt được thủ phạm, tôi sẽ đã đánh cho chúng một trận!”, ông nói.
Có thể nói, ông Cường là hình ảnh thu nhỏ của sự mâu thuẫn điển hình trong cách nhìn của người Việt Nam đối với con chó khi vừa yêu thương, vừa coi chúng là một món ăn đặc sản. Khi được hỏi liệu ông có thể ăn thịt con chó của mình nuôi không, ông Cường lắc đầu quyết liệt. Ông nói: “Nếu tôi muốn ăn thịt chó, tôi sẽ đi đến một nhà hàng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét